November 19, 2017

Ảnh hưởng của thuốc mê lên chó mèo như thế nào

Ảnh hưởng của thuốc mê lên chó mèo như thế nào


Khi chó mèo được bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật, thì việc tiêm thuốc mê cho mấy bé là điều khó tránh khỏi. Có một số ca phẫu thuật chỉ cần gây tê, nhưng với những ca phẫu thuật lớn thì gây mê là điều tất yếu. Thuốc mê tác động trực tiếp đến hệ thần kinh khiến chó mèo mê man trong một thời gian. Tùy theo ca phẫu thuật dài hay ngắn mà bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm liều lượng thuốc mê hợp lý.

Phẫu thuật cho chó mèo cũng có nhiều rủi ro và nguy hiểm đến tính mạng của mấy bé. Có không ít những ca phẫu thuật chó mèo đã mất trên bàn mổ, hoặc sau ca mổ. Trong đó, nguyên nhân ảnh hưởng từ thuốc mê cũng là một trong những nguyên do.


Gây mê trên chó mèo có nguy hiểm không?


Có nguy hiểm và rủi ro. Còn tùy vào cơ địa của chó mèo, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, chế độ chăm sóc trước phẫu thuật và sau khi phẫu thuật.


Nếu chó mèo trên một năm tuổi và chưa già, thì ít bị ảnh hưởng từ thuốc mê. Còn với chó mèo dưới một năm tuổi, chó mèo già, chó mèo đang bệnh quá yếu ớt, bạn nên cân nhắc khi phẫu thuật, vì cơ địa lúc này của chó mèo khá yếu, dễ bị sốc thuốc, hoặc ảnh hưởng từ tác dụng phụ của thuốc mê.


Rủi ro ảnh hưởng từ thuốc mê lên chó mèo như thế nào?


Ảnh hưởng của thuốc mê lên chó mèo như thế nào

1. Trước khi phẫu thuật, chó mèo cần được nhịn ăn trong vòng từ 10-12 tiếng để tránh trào ngược dạ dày trong thời gian mê man. Nếu thức ăn bị trào ngược có thể sẽ dẫn đến nghẹt đường thở và dẫn đến tử vong.

2. Chó mèo có tiền sử bệnh hô hấp, hen suyễn cũng rất dễ tử vong trong phẫu thuật. Khi phẫu thuật, chó mèo được đặt nằm ngửa bụng lên, nên sẽ dẫn đến hô hấp cũng kém đi. Trong trường hợp này, ca phẫu thuật cần được hoàn thành nhanh nhất có thể để tránh rủi ro.

3. Gây mê cho chó mèo dưới một năm tuổi, sẽ ảnh hưởng đến thần kinh và não bộ phát triển của bé.

4. Tiêm thuốc mê liều cao hay quá liều cũng dễ khiến chó mèo tử vong trong hoặc sau ca mổ.

5. Tiêm thuốc mê trên một lần trong ca phẫu thuật. Có những ca phẫu thuật do kéo dài hơn dự tính, chó mèo có dấu hiệu tỉnh lại, đau đớn kêu la, nên bác sĩ buộc phải tiêm thêm thuốc mê. Việc tiêm thêm thuốc mê như thế cũng rất ảnh hưởng và mang nhiều rủi ro.

7. Nên tiêm thuốc mê liều thấp hơn liều chỉ định với chó mèo già và quá yếu để hạn chế rủi ro. Trong trường hợp này, cần bác sĩ nhanh tay và có kinh nghiệm.


Mổ đẻ trên chó mèo có nên gây mê không?


Không gây mê nếu là mổ đẻ.

Thường bác sĩ sẽ không gây mê khi mổ đẻ, như thế thuốc mê sẽ ảnh hưởng lên chó con và tỉ lệ chó con chết rất cao. Thực hiện ca mổ đẻ, bác sĩ phẫu thuật chỉ gây tê chứ không gây mê. Do chỉ gây tê, nên chó mèo lúc này rất cần chủ nuôi bên cạnh, phần để phụ giữ khi chó mèo cựa quậy phản ứng khi bị đau, phần bé cần bạn nói chuyện, an ủi để bé yên tâm hơn và không sợ hãi.


Gây mê có ảnh hưởng đến tuổi thọ của chó mèo?


Có ảnh hưởng.

Bạn nên hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc mê trên chó mèo. Mình thấy, có những ca chỉ cắt lông, cạo lông, nhuộm lông, hay làm đẹp cho chó mèo thôi, mà do có một số bé không thích và phản ứng lại rất mạnh, nên chủ nuôi đồng ý tiêm thuốc mê cho bé để bác sĩ dễ làm. Nếu chỉ vì mục đích làm đẹp thì mình nghĩ không nên, không nên quá lạm dụng thuốc mê trên chó mèo.

Xét về phương diện nào đó, thì ảnh hưởng của thuốc mê lên người như thế nào thì trên chó mèo cũng tương tự như vậy. Một khi tiêm thuốc mê và lên bàn phẫu thuật thì lúc nào cũng đi kèm rủi ro cả. Việc bạn cần làm là chăm sóc bé thật tốt trước khi gây mê và sau khi tỉnh thuốc mê đúng cách theo dặn dò của bác sĩ.

Bản quyền bài viết thuộc về/ CTG blog
DMCA.com Protection Status



BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

0 blogger: