Tẩy giun sán cho chó mèo là việc làm cần thiết và cần được thực hiện định kỳ nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thú cưng của bạn. Đặc biệt, với chó mèo con, chủ nuôi cần phải chú trọng hơn việc sổ giun cho mấy bé. Phần lớn, chủ nuôi đều có cách nghĩ đơn giản, cần tẩy giun cho chó mèo thì cho chó mèo uống thuốc tẩy giun là xong.
Đúng là như vậy. Nhưng bên cạnh đó, thuốc còn có các tác dụng phụ, hay hệ lụy từ việc sổ giun hoặc không sổ giun cho chó mèo đúng cách, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mấy bé như thế nào, thì không phải chủ nuôi nào cũng nắm rõ.
Nắm rõ các kiến thức cần thiết liên quan đến việc tẩy giun sán cho chó mèo, sẽ giúp chó mèo cưng của bạn sống khỏe mạnh hơn và phần nào tránh được các rủi ro về bệnh tật.
Lưu ý gì trước khi tẩy giun sán cho chó mèo?
1. Cho chó mèo nhịn ăn nửa buổi trước khi tiến hành tẩy giun
Có như vậy mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Thường thì bạn nên giảm bớt phân nửa khẩu phần ăn cho chó mèo vào buổi tối. Thì đến sáng hôm sau, sau khi chó mèo ngủ dậy cũng đủ qua một thời gian dài rồi, lúc này bạn cho chó mèo uống thuốc sổ giun là hợp lý nhất.
Bạn có thể nhét thuốc trực tiếp vào miệng chó mèo. Hoặc tán nhuyễn trộn vào thức ăn ngon (như pate) để dụ chó mèo ăn.
Lưu ý: Cho chó mèo uống sổ giun với lượng thuốc vừa đủ theo đúng hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc. Nếu bạn cho chó mèo uống quá liều, sẽ dẫn đến tình trạng chó mèo bị sốc thuốc, người lừ đừ mệt mỏi, bỏ ăn, có thể dẫn đến bệnh.
2. Trộn thêm men tiêu hóa vào thức ăn
Nếu chó mèo của bạn có đường tiêu hóa không tốt, bạn có thể trộn thêm men tiêu hóa vào thức ăn cho chó mèo ăn sau khi sổ giun. Do mới sổ giun nên bạn không nên cho chó mèo ăn nhiều, mà chỉ cho ăn một ít thôi (nửa khẩu phần ăn). Đến hôm sau thì cho ăn uống lại bình thường.
Không tẩy giun sán cho chó mèo trong các trường hợp nào?
1. Chó mèo đang bệnh, cơ thể yếu ớt.
2. Thời tiết quá oi bức (nhiệt độ tăng cao và nóng).
3. Chó mèo mang thai sắp đến ngày sinh.
Lịch tẩy giun sán đầy đủ cho chó mèo
(Chó mèo từ nhỏ cho đến lớn)
(Chó mèo từ nhỏ cho đến lớn)
Lịch tẩy giun sán cho chó mèo từ nhỏ đến lớn
1. Chó mèo từ 3 đến 8 tuần tuổi (2 tháng)
- Cách hai tuần sổ giun một lần.
- Cụ thể:
- 3 đến 4 tuần tuổi: Tẩy giun lần 1.
- 5 đến 6 tuần tuổi (2 tuần sau): Tẩy giun lần 2.
- 7 đến 8 tuần tuổi: Tẩy giun lần 3.
2. Chó mèo từ 2 đến 6 tháng tuổi
- Cách một tháng sổ giun một lần.
- Cụ thể:
- 3 tháng tuổi: Tẩy giun lần 4.
- 4 tháng tuổi: Tẩy giun lần 5.
- 5 tháng tuổi: Tẩy giun lần 6.
- 6 tháng tuổi: Tẩy giun lần 7.
3. Chó mèo từ 6 đến 12 tháng tuổi (1 năm)
- Cách 2-3 tháng sổ giun một lần.
- Cụ thể:
- 8 đến 9 tháng tuổi: Tẩy giun lần 8.
- 10 đến 11 tháng tuổi: Tẩy giun lần 9.
- 12 tháng tuổi: Tẩy giun lần 10.
4. Chó mèo trên 1 năm tuổi
- Cách 6 tháng sổ giun một lần.
- Cụ thể:
- 1 năm 6 tháng tuổi: Tẩy giun lần 11.
- 2 năm tuổi: Tẩy giun lần 12.
- 2 năm 6 tháng tuổi: Tẩy giun lần 13.
- ....
Lịch tẩy giun sán cho chó mèo mới mua & chó mèo đã nhiễm giun
Tẩy giun lần một
Tẩy giun ngay cho chó mèo mới mua về, hoặc chó mèo đang nhiễm giun.
Tẩy giun lần hai
Sau 2 tuần sau, tiến hành tẩy giun cho chó mèo một lần nữa.
Tẩy giun lần ba
Xác định độ tuổi của chó mèo và đối chiếu với lịch sổ giun cho chó mèo ở phần trên. Từ đó tiến hành tẩy giun cho chó mèo theo đúng lịch trình như vậy.
Lịch tẩy giun sán cho chó mèo mẹ mang thai và cho con bú
Cho chó mèo mẹ sổ giun trước khi phối giống 1 tháng. Nghĩa là sau khi sổ giun, thì một tháng sau, bạn hãy cho chó mèo mẹ phối giống. Khoảng cỡ 20 ngày sau cũng được, cũng không cần đến một tháng.
Sổ giun trước khi đẻ 2 tuần. Nghĩa là khi bạn dự đoán 2 tuần nữa chó mèo mẹ sẽ đẻ, thì bạn có thể cho chó mèo mẹ sổ giun. Nhưng nếu chỉ còn khoảng dưới 10 ngày nữa chó mèo mẹ sẽ đẻ, thì bạn không nên cho chó mèo mẹ sổ giun. Vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến bào thai và chó mèo mẹ có khả năng sẽ bị đẻ non.
Sổ giun sau khi đẻ được 4 tuần. Sau khi chó mèo mẹ đẻ xong, 4 tuần sau, bạn có thể cho chó mèo mẹ sổ giun đồng thời với lứa chó mèo con luôn.
Các dấu hiệu nhận biết khi chó mèo nhiễm giun sán
1. Chó mèo đi ngoài có giun sán.
2. Chó mèo mệt mỏi, người lừ đừ, ói ra giun.
3. Hay co rúm đít lại, hoặc hay chịn đít.
4. Chó mèo không lên ký (gầy, ốm), ăn nhiều nhưng vẫn ốm.
5. Chó mèo ăn ít đến rất ít, có khi bỏ ăn.
6. Lợi tái nhợt, không được hồng hào (Thường xảy ra với chó mèo con).
Tác dụng phụ sau khi tẩy giun sán cho chó mèo
Không xảy ra hầu hết với các chó mèo sau khi được sổ giun. Nhưng vẫn có một số chó mèo bị ảnh hưởng từ tác dụng phụ của thuốc.
1. Cơ thể lừ đừ, mệt mỏi, không thích vận động chơi đùa mà chỉ nằm im một chỗ. Thường dấu hiệu này sẽ không kéo dài. Qua chừng 1-2 ngày sau, chó mèo sẽ bình thường trở lại. Còn nếu tình trạng này vẫn kéo dài, thì bạn nên đưa bé đến bác sĩ thú y để khám và theo dõi.
2. Chó mèo bị ói. Có thể do hệ tiêu hóa không tốt nên dẫn đến chó mèo bị nôn sau khi uống thuốc sổ giun. Lúc này, bạn nên trộn ít men tiêu hóa vào khẩu phần ăn cho chó mèo để giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý tình trạng này có kéo dài quá lâu hay không. Nếu cảm thấy không ổn, nên mang bé ra thú y để khám.
3. Chó mèo bị tiêu chảy. Cũng có thể bị ảnh hưởng từ thuốc sổ giun do hệ tiêu hóa không tốt. Bạn nên bổ sung nước, cho chó mèo uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước do tiêu chảy. Bạn cũng cần lưu ý theo dõi tình trạng tiêu chảy này có kéo dài hay không. Nếu cảm thấy không được bình thường thì cũng nên mang bé ra thú y khám luôn.
Có bao nhiêu loại thuốc tẩy giun cho chó mèo?
(Công dụng và tác dụng cụ thể?)
(Công dụng và tác dụng cụ thể?)
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc sổ giun sán cho chó mèo. Có những thuốc đặc trị riêng biệt, cũng có những thuốc kháng rộng, sổ chung được nhiều loại giun.
Vậy bạn nên dùng loại nào? Loại nào sẽ tốt hơn?
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên. Nhưng mình sẽ liệt kê công dụng một số thuốc mình biết và đã dùng qua cho các bạn tham khảo. Từ đó bạn sẽ có cơ sở để quyết định nên dùng loại nào.
Bạn có thể tham khảo tên thuốc, thành phần thuốc và xem đánh giá của mọi người ở bên dưới đây.
1. Univerm total
Mình hay dùng loại này nhất. Giá tầm trung. Một viên thuốc dùng được cho 10kg, viên thuốc cũng nhỏ. Chó mèo dưới 10kg thì bẻ nhỏ viên thuốc ra, viên nhỏ nên dễ cho chó mèo uống.
- Đặc tri: Trùng roi Giardiasis.
- Tác dụng: Phổ rộng. Giun tròn, giun móc, giun tóc, sán dây.
- Vị thuốc: Đắng. Viên thuốc nhỏ.
- Liều dùng: 1 viên cho 10kg thể trọng.
2. Drontal Plus Flavour (Cho chó)
Thuốc này của Pháp, nên chất lượng rất Ok luôn. Giá thành hơi mắc một chút, tầm 30-40k một viên.
- Đặc tri: Trùng roi Giardiasis.
- Tác dụng: Phổ rộng. Giun tròn, giun móc, giun tóc, sán dây.
- Vị thuốc: Ít đắng. Viên thuốc to.
- Liều dùng: 1 viên cho 10kg thể trọng.
3. Drontal Plus cats (Cho mèo)
- Đặc tri: Trùng roi Giardiasis.
- Tác dụng: Phổ rộng. Giun tròn, giun móc, giun tóc, sán dây.
- Vị thuốc: Ít đắng.
- Liều dùng: 1 viên cho 4kg thể trọng.
4. Biaverm
- Tác dụng: Phổ rộng. Giun móc, giun tóc, sán dây, giun tim, giun phổi.
- Vị thuốc: Đắng. Viên thuốc hơi to.
- Liều dùng: 1 viên cho 5kg thể trọng.
5. Heartgard (Cho chó)
Thuốc này phân loại theo cân nặng của chó theo 3 phân khúc: Chó dưới 10kg, từ 10~20kg, từ 20~40kg. Đặc biệt thuốc này mùi bò rất ngon, thường chó sẽ thích ăn.
- Đặc tri: Giun tim.
- Tác dụng: Giun móc, giun đũa, giun tim.
- Vị thuốc: Ngon. Mùi bò, chó thích ăn.
- Liều dùng: Chỉ dùng cho chó từ 6 tuần tuổi trở lên.
6. Sanpet
Giá bình dân. Chất lượng cũng ổn.
- Tác dụng: Phổ rộng. Giun móc, giun tóc, giun đũa, sán dây.
- Vị thuốc: Đắng.
- Liều dùng: 1 viên cho 5kg thể trọng.
7. Endogard
Về hiệu quả thì thuốc này rất ok. Hãng Pháp, chất lượng tốt. Giá hơi mắc.
- Đặc tri: Giun tim.
- Tác dụng: Phổ rộng. Giun tròn, giun móc, giun tóc, sán dây, giun tim.
- Vị thuốc: Đắng. Viên thuốc hình xương.
- Liều dùng: 1 viên cho 10kg thể trọng.
8. Bio Rantel
Thuốc của hãng Bio Việt Nam, dùng cũng ok.
- Tác dụng: Phổ rộng. Giun tròn, giun móc, giun tóc, sán dây.
- Vị thuốc: Đắng.
- Liều dùng: 1 viên cho 5kg thể trọng.
9. Thuốc sổ giun của các hãng khác
Ngoài 8 tên thuốc mình liệt kê ở trên, thì vẫn còn nhiều thuốc sổ giun của các hãng khác.
Bản quyền bài viết thuộc về/ CTG blog
hay huu ich.
ReplyDelete